Chuyên dịch vụ cho thuê xe du lịch giá rẻ các tuyến Đà Nẵng, Hội An, Chu Lai đi Cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi và ngược lại..Tư vấn Tour du lịch Lý Sơn, đặt vé tàu, đặt phòng khách sạn Lý Sơn. Hotline: 0976 575422
Chuyên dịch vụ cho thuê xe du lịch giá rẻ các tuyến Đà Nẵng, Hội An, Chu Lai đi Cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi và ngược lại..Tư vấn Tour du lịch Lý Sơn, đặt vé tàu, đặt phòng khách sạn Lý Sơn. Hotline: 0976 575422
Mùa hè là thời điểm khá thích hợp nếu muốn du lịch biển đảo Quảng Ngãi (Ảnh – nhimsoc13)
Khí hậu ở Quảng Ngãi là khí hậu nhiệt đới và gió mùa, nên nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình 25-27 °C. Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt, gồm có mùa mưa và mùa nắng.
Về cơ bản, Quảng Ngãi ít khi chịu ảnh hưởng của bão, tỉ lệ các cơn bão ảnh hưởng đến vùng này chỉ khoảng 0,3 (3 năm mới có thể có 1 cơn bão). Các cơn bão thường rơi vào khoảng từ tháng 9-11 hàng năm.
Nếu dự định đi Lý Sơn, các bạn có thể đi vào khoảng tháng 3-4-5, khoảng thời gian này sóng biển cũng không quá mạnh nên việc đi tàu ra đảo về cơ bản là nhẹ nhàng hơn. Một mốc thời gian khác để tham khảo nếu đến Lý Sơn là Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch)
Lấy mốc 2 đầu là Hà Nội và Sài Gòn thì Quảng Ngãi gần như nằm chính giữa với khoảng cách đến 2 nơi lần lượt là 884km và 836km. Với khoảng cách này, nếu sử dụng phương tiện cá nhân và chạy liên tục theo tuyến QL1A (thường là trong một hành trình xuyên Việt) các bạn sẽ mất khoảng 2 ngày.
Thuận lợi nhất cho việc đến Quảng Ngãi chính là sử dụng phương tiện công cộng, nằm trên trục chính của QL1A nên Quảng Ngãi có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ du khách đến du lịch trong tỉnh.
Ga Quảng Ngãi là một trong các ga chính của hành trình Bắc – Nam (Ảnh – Giang Nguyen)
Với vị trí nằm ngay trung tâm Thành phố, ga Quảng Ngãi khá thuận tiện để du khách có thể di chuyển về khách sạn sau khi đến đây.
Từ Hà Nội hàng ngày có 5 chuyến tàu Thống Nhất đi ngang và dừng ở Quảng Ngãi là các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và SE9. Các chuyến tàu phù hợp nhất để đến Quảng Ngãi là SE1 (khởi hành từ Hà Nội lúc 22h20 và đến Quảng Ngãi lúc 15h56), SE3 (khởi hành từ Hà Nội lúc 19h30 và đến Quảng Ngãi lúc 14h22) và SE9 (khởi hành từ Hà Nội lúc 14h30 và đến Quảng Ngãi lúc 10h30) bởi những chuyến tàu này đến Quảng Ngãi vào khoảng thời gian từ trưa đến chiều, phù hợp với việc sử dụng buổi chiều để đi chơi cũng như nhận phòng khách sạn.
Tương tự như vậy, từ Sài Gòn có 6 chuyến tàu đến Quảng Ngãi là SE2, SE4, SE6, SE8, SE10 và SE22 nhưng chỉ có các chuyến tàu SE2 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 21h55 và đến Quảng Ngãi lúc 11h17), SE4 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 19h45 và đến Quảng Ngãi lúc 9h59) và SE10 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 14h40 và đến Quảng ngãi lúc 7h00) là phù hợp.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 12/2024)
Rẻ và nhanh hơn đi tàu các bạn có thể lựa chọn các tuyến open bus, hầu hết các tuyến xe khách đường dài Bắc Nam đều sẽ đi qua Quảng Ngãi. Tuy nhiên, các tuyến xe này nếu không đăng ký thường sẽ chỉ trả khách ở các tuyến đường tránh khá xa trung tâm, để có thể về được ngay trung tâm thành phố, các bạn hãy lựa chọn các tuyến xe giường nằm đi Quảng Ngãi nhé.
Quảng Ngãi hiện tại không có sân bay nằm trong tỉnh, sân bay gần nhất so với trung tâm Tp Quảng Ngãi là sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam. Tuy vậy, từ sân bay này hiện có các tuyến xe buýt cả miễn phí cả trả phí để về tới trung tâm Tp Quảng Ngãi nhé các bạn. Các chuyến bay tới Chu Lai được khai thác hàng ngày từ Hà Nội và Sài Gòn với tần suất khá liên tục, các bạn có thể check trên trang web của các hãng hàng không.
Hệ thống xe buýt ở Quảng Ngãi phủ khá rộng, nhất là một số điểm du lịch chính (Ảnh – Tư Đỗ)
Quảng Ngãi hiện có khoảng hơn 10 tuyến xe buýt với lộ trình khá đa dạng, chạy từ trung tâm Thành phố và đi qua những địa điểm cần thiết như ga Quảng Ngãi, bến xe khách Quảng Ngãi, cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên, các tuyến xe buýt ở Quảng Ngãi tần suất hoạt động khá thưa nên các bạn nếu sử dụng cần đi sớm để chủ động.
Trước kia, khi mà du lịch Quảng Ngãi chưa phát triển, các dịch vụ cho thuê xe máy ở Quảng Ngãi gần như không có, thời điểm đó các bạn chỉ có thể tìm thuê tại khách sạn thông qua đội ngũ nhân viên. Trong một vài năm gần đây, số lượng du khách đến với Quảng Ngãi tăng lên, đồng thời nhiều địa điểm du lịch ở Quảng Ngãi (ngoài Lý Sơn) cũng nằm trong lịch trình của du khách, bởi vậy nhu cầu thuê xe máy dần tăng cao, các cửa hàng dần được hình thành để đáp ứng nhu cầu đấy.
Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Quảng Ngãi (Cập nhật 12/2024)
Nhờ có Lý Sơn, những năm gần đây Quảng Ngãi đã trở thành một vùng đất đầy hứa hẹn về phát triển du lịch. Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch cũng được chú trọng đầu tư. Hiện toàn tỉnh đã có khoảng vài trăm cơ sở lưu trú với hàng nghìn phòng được phân bố nằm rải rác tại các địa điểm du lịch
Các khách sạn lớn tập trung chủ yếu ở trung tâm Tp Quảng Ngãi (Ảnh – Luu Thanh Toi)
Tổng số lượng khách sạn ở Quảng Ngãi không nhiều, chỉ khoảng vài chục cơ sở. Hầu hết số lượng khách sạn được phân bổ ở Tp Quảng Ngãi, quanh khu vực biển Mỹ Khê và một số khách sạn gần đây được đầu tư xây dựng ở đảo Lý Sơn.
Xem thêm bài viết: Khách sạn ở Thành phố Quảng Ngãi (Cập nhật 12/2024)
Số lượng nhà nghỉ hiện chiếm khoảng 80% tổng số các cơ sở lưu trú ở Quảng Ngãi, đây là loại hình lưu trú cơ bản và dễ dàng tìm thấy nhất, hầu như ở đâu cũng có thể đặt phòng và lưu trú. Tuy nhiên, chất lượng và dịch vụ chỉ ở mức cơ bản nên các bạn nếu có yêu cầu cao không nên sử dụng.
Xem thêm bài viết: Danh sách nhà nghỉ ở Quảng Ngãi (Cập nhật 12/2024)
Muốn trải nghiệm homestay ở Quảng Ngãi, đừng bỏ qua Lý Sơn bạn nhé (Ảnh – Dong Dao Xuan)
Ở Quảng Ngãi, homestay được bắt đầu hình thành từ Lý Sơn thời mà dịch vụ chưa phát triển. Lúc đó du khách đến với đảo ít sự lựa chọn về nghỉ ngơi, lưu trú nên thường nghỉ và sử dụng dịch vụ ở ngay nhà người dân. Dần dần, do nhận được sự quan tâm từ khách du lịch nên homestay phát triển mạnh hơn và bắt đầu xuất hiện ở các vùng khác trong tỉnh.
Xem thêm bài viết: Homestay ở Quảng Ngãi (Cập nhật 12/2024)
Lý Sơn có thể coi là điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Quảng Ngãi (Ảnh – thenaturesbest)
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra). Toàn huyện có 02 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), gồm 03 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (Đảo Bé). Diện tích tự nhiên gần 10km2. Dân số trên 21.000 nguời, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn (Cập nhật 12/2024)
Do ít bị chiến tranh tàn phá và ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân nên Lý Sơn bảo lưu được hàng trăm di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, phân bổ dày đặc, đặt biệt là các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và Triều Nguyễn sau này, như: Âm Linh Tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết,… Nơi đây còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh (qua các cuộc khai quật ở xóm ốc, suối Chình), và sự dung hòa giữa nền văn hóa Chăm pa vào nền văn hóa Đại Việt.
Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn cũng là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hang, chùa Đục, Mù Cu, Miệng núi lửa giếng Tiền,…
Bảo tàng Quảng Ngãi là nơi lưu giữ nhiều thông tin nền văn hoá Sa Huỳnh cổ (Ảnh – Hoang Vu Le)
Bảo tàng Quảng Ngãi được thành lập vào năm 1989 trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng Nghĩa Bình. Đây là bảo tàng khảo cứu địa phương có nhiệm vụ giới thiệu lịch sử của tỉnh nhà cho đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc nói chung cũng như di tích lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh. Với diện tích 17.000m2, trưng bày trong nội thất, Bảo tàng đã thể hiện đầy đủ các chủ đề về nền văn hoá Sa Huỳnh cổ được phát hiện đầu tiên tại Quảng Ngãi, văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như dân tộc Kinh, Hrê, Ca dong, Kor.
Thành Châu Sa hiện là tòa thành có quy mô lớn và toàn vẹn của người Chăm (Ảnh – Cam Lưu Văn)
Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm Tp Quảng Ngãi khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.
Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, X thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là “trung tâm kinh tế” ở vùng phía nam. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m, chu vi chừng 4km được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.
Đây là nơi lưu giữ những ký ức đau thương của các tội ác chiến tranh đã xảy ra trong quá khứ (Ảnh – Nguyễn Xuân Thư)
Khu chứng tích Sơn Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 24B, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm Tp Quảng Ngãi chừng 12km về phía Đông Bắc. Đây là nơi vừa gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ (the massacre at Sonmy), hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai (the massacre at Mylai).
Ít ai biết, ở Quảng Ngãi cũng có một bãi biển mang tên Mỹ Khê (Ảnh – atomy dj)
Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đỏ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú
Núi Thiên Bút (Ảnh – Dũng Nguyễn Văn)
Từ đỉnh Thiên Ấn, phóng tầm mắt vượt qua dòng sông Trà Khúc, xa về phía nam là núi Thiên Bút (núi Bút), tọa lạc tại địa phận phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.
Chỉ cao hơn 60 mét so với mặt nước biển, nhưng Thiên Bút có hình dáng cân đối, đỉnh núi thoai thoải vươn lên trời cao, từ cánh đồng Ngọc Áng ở phía đông nhìn lên, tựa như ngòi bút của đấng vô biên. Có những hoàng hôn kỳ thú, sườn núi chầm chậm khuất dần trong sương chiều, mây lam vấn vương trên đỉnh núi, ánh hồi quang từ phía trời tây bịn rịn dấu ngày. Cảnh tượng đất trời phóng khoáng, sơn thủy liên tình gợi lên hình ảnh bút trời phê vào mây gió. Bởi vậy cổ nhân mới đặt cho mỹ tự Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây).
Thiên Ấn Niêm Hà (Ảnh – Huy Karin)
Thiên Ấn là tên một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía hạ lưu, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 3km về hướng đông bắc, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thuỷ thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi.
Núi cao 106 mét, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, như dồn vào chân núi rồi lại từ chân núi, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà.
Chùa Thiên Ấn khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối năm 1695 (niên hiệu Chính Hòa thứ 15), đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am, sau đó dần dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.
Chùa Thiên Ấn có “giếng Phật” sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, và “chuông thần” do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Câu chuyện về nhà sư đào giếng Phật và lễ khai đỉnh chuông Thần đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong nhiều thư tịch cổ.
Hà Nhai vãn độ (Cảnh đò chiều ở bến Hà Nhai) là một thắng cảnh sông nước hữu tình nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, đoạn từ phía đông thôn Ngân Giang đổ xuống phía tây thôn Thọ Lộc.
Chính xác hơn, bến Hà Nhai là một chuỗi bến đò chừng 2 cây số, từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn: Bến Thọ Lộc, bến Chợ Hố, bến Biền, bến Đá, bến Ngân Giang; đối diện bên hữu ngạn là thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.
Thạch Ky Điếu Tẩu (Ảnh – Đại Thịnh)
Thạch Ky Điếu Tẩu được gọi dân dã là Ông câu trên ghềnh đá, đây là một vùng non nước hữu tình ở bờ nam cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, cách Tp Quảng Ngãi 16km, về phía Đông Bắc.
Thạch Ky Điếu Tẩu gồm hai quả núi đá tọa lạc trên cửa biển Sa Kỳ. Có lẽ sự hào phóng của thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cửa biển Sa Kỳ vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, với vẻ trầm tĩnh của đá hòa hợp với nhịp đập của sóng cùng với rừng dương liễu xanh và nắng vàng cát trắng đã tạo thành một bức tranh khá sinh động, hiền hòa giữa bộn bề cuộc sống.
Long Đầu sơn (núi Đầu Rồng) là tên một ngọn núi của dãy Long Sơn (núi Rồng), nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía tây núi Thiên Ấn, cạnh đường thiên lý Bắc – Nam, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.
Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Sơn nhấp nhô uốn lượn tựa như một con rồng thiêng, đuôi trầm mình trong vụng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà. Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn đổ về, sau nhiều lần quanh co uốn khúc, lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu sơn, như thể đầu rồng đùa giỡn cùng con nước.
Cảm vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa nên thơ của thắng cảnh nầy, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh mới đặt cho mỹ tự “Long Đầu hý thủy” (Đầu Rồng giỡn nước).
Làng bích họa nằm ở thôn Thọ An, xã Bình An (Ảnh – Bui Cong Truong)
Nhằm tạo điểm nhấn phát triển du lịch, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, huyện Bình Sơn mời nhóm họa sĩ về đi thực địa lấy cảm hứng sáng tác tranh 3D phát sáng ca ngợi tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Cor ở xã Bình An, một bản làng thanh bình ở thôn Thọ An, xã Bình An.
Các khẩu thần công cổ hướng ra biển nằm trong khuôn viên Khu du lịch Thiên Đàng (Ảnh – Diep Albert Nguyen)
Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng nằm trên địa bàn xã Bình Thạnh, đây là khu du lịch rộng và thoáng nằm cạnh bờ biển, với tổng thể 32 ha, có đầy đủ nhà hàng, khách sạn các khu du lịch sinh thái vui chơi, giải trí, có vườn sinh thái và các hồ nước được xây dựng rất công phu với những hàng cây Dương liễu được cắt tỉa cẩn thận, đều đặn trông thật đẹp mắt nằm dọc theo các bờ hồ, các lối đi dẫn đến các nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí. Đặc biệt là mặt tiền của khu du lịch được xây dựng bằng những tảng đá tự nhiên, tạo thành những dãy dài trông giống những hình người, những dãy núi thật ngoạn mục. Đến khu du lịch Thiên Đàng du khách còn được chiêm ngưỡng năm khẩu thần công cổ hướng ra biển.
Bãi tắm Khe Hai còn khá hoang sơ và ít dịch vụ (Ảnh – Cong Hoang Phan)
Liền kề với khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, cách 100m về hướng bắc là bãi tắm Khe Hai (xã Bình Thạnh) với bãi cát trắng, bờ biển thoai thoải gợn sóng, nước biển trong xanh và sạch sẽ.
Mũi Ba Làng An (Ảnh – Khau Thao)
Ba Làng An còn có một tên gọi khác là Ba Tân Gân thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn). Ba Làng An là một vùng biển có bãi đá đẹp, người dân làm nghề chài lưới.
Từ mũi Thanh Thủy chạy vào nam, bờ biển tỉnh Quảng Ngãi xuôi dần ra phía sóng, đến vùng bán đảo Châu My Đông thì gặp dãy núi Long Sơn – Tham Hội theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, núi trượt chân đổ dài lên những khối đá ong, đá đen để tạo thành mũi Ba Làng An (Cape Batangan) hùng vĩ và thơ mộng. Quá mũi Ba Làng An về phía nam là vụng biển Sa Kỳ, giữa Sa Kỳ và Ba làng An là thắng cảnh An Hải Sa Bàn (mâm cát An Hải).
Cổ Lũy Cô Thôn là một trong 12 thắng cảnh đẹp ở Quảng Ngãi (Ảnh – Doan NT)
Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi) là một trong mười hai danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc. Xa ồn ào nhân thế mà không dứt bỏ cõi đời. Ở nơi quạnh vắng nhưng chẳng để mình đơn độc. Hòa vào thiên nhiên mà không chìm khuất, u trầm.
Tên gọi Cổ Lũy liên quan mật thiết đến địa danh Cổ Lũy động – danh xưng mà người Việt dùng để chỉ vùng đất của vương quốc Chăm nằm ở phía nam châu Amaravati, nay là tỉnh Quảng Ngãi.
La Hà là tên một quần thể 4 ngọn núi nằm trên địa bàn thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, gồm núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm. La Hà được ông quan – thi sỹ Nguyễn Cư Trinh tặng cho mỹ tự La Hà thạch trận (Trận đá La Hà) và xem là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
Chùa Ông Thu Xà (Ảnh – Minh Hải Tăng)
Chùa Ông (Quan Thánh Tự 關 聖 寺) tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Chùa được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) và đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 199.
Theo những bậc cao niên, vạn Thu Xà xưa thuộc làng Tiên Sà (Tiên là trước. Sà là bè, tức bè rớ) tức là vạn của người Việt đầu tiên ở đất này và người dân làm nghề bè rớ). Còn tên gọi Thu Xà xuất phát từ địa hình nơi đây là vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước. Thu có nghĩa là lau lách, Xà có nghĩa là đầm nước.
Vùng đất đắc địa này từ xa xưa sớm trở thành thương cảng của người Việt. Những con tàu từ Hương Cảng, Ma Cao đã chọn nơi đây làm điểm tập kết “ăn hàng”. Rồi sau đó, người Minh Hương thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam đến đây cùng với người Việt bỏ công sức biến vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước thành phố Thu Xà. Thương cảng Thu Xà tồn tại phát triển qua nhiều thế kỷ. Cho mãi đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ đường sắt phát triển thì mất dần vai trò của nó.
Khu tổ hợp nghỉ dưỡng suối nước nóng Nghĩa Thuận (Ảnh – Hai Thinh Hoang Pham)
Khu du lịch này xây dựng tại xã Nghĩa Thuận, cách đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chừng 1km và cách Tp Quảng Ngãi khoảng 7km về phía tây; có quy mô 15ha, gồm các hạng mục: Công viên nước khoáng nóng, tắm bùn, nghỉ dưỡng…
Ngôi làng cổ nằm dưới chân núi Dâu (Ảnh – Thạch Anh)
Dưới chân núi Dâu thuộc xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) có một ngôi làng mang tên Thiên Xuân. Đây được xem là ngôi làng cổ nhất hiện nay được các nhà khảo cổ học phát hiện. Ngôi làng ước chừng 400-600 năm tuổi, có thể là sự kế thừa từ những chủ nhân người Chăm.
Thắng cảnh Suối Chí với diện tích rộng khoảng 15 ha, nằm cách Thành phố Quảng Ngãi 24 km về phía Nam, thuộc địa bàn thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông. Đây được xem là một thắng cảnh đẹp của huyện Nghĩa Hành nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái.
Suối Chí nằm ẩn mình dưới khu rừng nguyên sinh, tổng diện tích của khu rừng 1.012ha, nhân dân nơi đây thường gọi khu rừng này là rừng Cộng đồng vì toàn bộ khu rừng này đã được giao cho 350 hộ dân thuộc hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông quản lý. Tổng chiều dài của dòng suối khoảng 4km tính từ đầu nguồn đến khi hợp lưu với dòng sông Vệ. Điều đặc biệt ở dòng suối này là chưa bao giờ cạn nước, quanh năm, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn tuôn chảy dòng nước trong vắt dội vào khe đá tung bọt trắng xóa.
Trường lũy Quảng Ngãi kéo dài qua nhiều huyện trong tỉnh (Ảnh – Bui Cong Truong)
Trường Lũy là công trình mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa hai cộng đồng người Hrê và người Việt.
Tuyến lũy dài 127,4km, trong đó trên đất Quảng Ngãi có 113km, chạy qua 8 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ với trên 30 xã. Hiện còn hơn 70 đồn (bảo) tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); di tích Rum Đồn (Rừng Đồn) và di tích đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành)…
Thác Trắng Minh Long (Ảnh – Minh Huỳnh Anh)
Thác Trắng nằm cách Tp Quảng Ngãi chừng 23km về hướng tây nam thuộc địa bàn xã Thanh An, thác Trắng ẩn mình giữa rừng già, dòng nước trắng xóa như treo trên vách đá ở độ cao trên 40m. Từ trên cao, nước buông mình đổ xuống tạo thành dòng suối trong vắt chạy quanh.
Bãi biển Minh Tân (Ảnh – Ngọc Hoàng Trần)
Minh Tân là một bãi biển còn khá đẹp và hoang sơ, chỉ được biết đến bởi người dân địa phương. Bãi biển này thuộc xã Đức Minh, chỉ cách QL1A khoảng 10km.
Chùa Ông Rau (Ảnh – Nguyễn Hữu Phu)
Núi Long Phụng, chùa Ông Rau thuộc xã Đức Thắng mang nhiều vẻ đẹp cổ kính, kỳ vĩ, là danh thắng đáng để thưởng ngoạn. Trên núi Long Phụng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí, trong đó có một ngôi chùa độc đáo, tọa lạc trên lưng chừng núi, mặt hướng ra biển Tân Định. Chùa có nhiều tên gọi, như chùa Ông Rau, chùa Hang, chùa Cốc, vì người xưa đặt tên theo hình dáng chùa và đặc điểm riêng của vị trụ trì… Những vị cao niên ở đây kể rằng, từ xa xưa có một nhà sư không rõ danh tính, không đệ tử bổn đạo, không kinh kệ suốt ngày ngồi thiền ở hang đá này. Vị sư này không ăn ngũ cốc, chỉ ăn rau nên gọi ông là Ông Rau, hang động ông tu gọi là chùa Ông Rau.
Ở thôn Tú Sơn và thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân có hai suối nước khoáng nóng độc đáo. Suối khoáng nóng là món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Suối nằm ngay giữa cánh đồng. Nguồn suối này có nhiệt độ từ 40 – 80oC, chứa nhiều loại muối khoáng khác nhau như muối natriclorua, kaliclorua, muối bicacbonat, có tác dụng chữa được nhiều bệnh ngoài da và các bệnh về xương khớp. Suối khoáng ở thôn Tú Sơn còn hoang sơ, còn suối khoáng Thạch Trụ ở đã xây dựng các giếng lấy nước và các bể tắm xi măng, thu hút khá đông du khách đến tắm và lấy nước về dùng.
Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ (Ảnh – Tâm Lê Văn)
Ba Tơ có 14 điểm di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Quần thể các di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được công nhận, xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
Từ TP Quảng Ngãi, theo con đường quốc lộ 1A đến Thạch Trụ rồi ngược đường lên Ba Tơ để tìm về thác Lũng Ồ, sẽ đi qua đèo Đá Chát. Còn ngược đường từ TP Quảng Ngãi lên Nghĩa Hành – Ba Tơ, ngoài đèo Đá Chát, sẽ vượt qua hai con đèo nữa là đèo Eo Gió, đèo Bỏ Giáp với cung đường quanh co uốn lượn.
Theo đồng bào dân tộc H’re địa phương, thác Lũng Ồ bắt nguồn từ những dãy núi đá tai mèo cao chất ngất đổ về suối Mang Kế tạo thành thác nước cao trắng xóa mát lạnh quanh năm.
Cũng theo dân địa phương, trong mùa đông, dòng thác chảy khá mạnh tuôn qua những phiến đá lớn phát ra tiếng kêu nghe ồ ồ nên mới gọi là thác Lũng Ồ.
Toàn cảnh bãi biển Sa Huỳnh (Ảnh – Thien Phu TV)
Sa Huỳnh là cửa biển cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm Tp Quảng Ngãi khoảng 60 km, Sa Huỳnh cũng là một trong những cửa biển sử dụng trong giao lưu hàng hải khu vực Đông Nam Á rất sớm. Hiện nay Sa Huỳnh là một cảng cá khá sầm uất ở bờ biển miền Trung. Thắng cảnh Sa Huỳnh nói ở đây bao gồm biển Sa Huỳnh và vùng phụ cận với đồng muối trắng, bãi cát vàng, làng vạn chài ven biển ẩn khuất dưới bóng dừa xanh tiếp liền những sơn thôn dưới chân đồi núi,…
Bãi biển Châu Me (Ảnh – Nam Đặng)
Châu Me là một bãi biển với vẻ hoang sơ, thơ mộng, yên tĩnh cộng với không khí trong lành. Với bãi cát trắng mịn, những ghềnh đá trải dài, rừng phi lao uốn lượn quanh bãi biển cùng với những chiếc thuyền thúng của người dân nơi đây, tất cả đã tạo cho Châu Me một nét đẹp rất riêng, không lẫn với các bãi biển khác.
Đập Thạch Nham (Ảnh – Đạt Trần)
Ngược dòng Trà Giang về phía thượng nguồn, qua các thắng cảnh Long Đầu Hí Thuỷ, Hà Nhai Vãn Độ và những cồn bãi nên thơ, đến nơi giáp ranh ba huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa ta gặp công trình thuỷ nông Thạch Nham. Đập nước ngăn dòng sông Trà hợp với thế núi tạo nên một hồ nước lớn.
Phong cảnh Thạch Nham mỗi mùa một vẻ nhưng thú vị nhất vẫn là những ngày đẹp trời, vượt qua đèo Bẻ Lá, theo con đường bộ phía nam hồ đi về phía Sơn Nham mà ngắm nhìn cảnh bình minh hay hoàng hôn nghiêng trên sông núi.
Núi Thạch Bích (Ảnh – Che Trung Hieu)
Thạch Bích sơn, tên nôm quen thuộc là núi Đá Vách, nằm về phía đông Nam huyện Sơn Hà, giáp giới huyện Minh Long, cao khoảng 1.500 mét. Đây là ngọn danh sơn vào hàng cao nhất, hùng vỹ và hiểm trở nhất tỉnh Quảng Ngãi. Vùng núi non, thung lũng châu tuần chung quanh Thạch Bích với nhiều sông suối, hẻm vực là địa bàn quần cư từ lâu đời của tộc người H’re.
Quần thể di tích khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm nhiều điểm di tích nằm ở 8 xã, thị trấn thuộc huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng, đó là các địa điểm: Gò Rô (xã Trà Phong), Nước Xoay (Trà Thọ), đồn Eo Chim (Trà Lãnh), đồn Làng Ngãi (Trà Thọ) đồn Tà Lạt (Trà Lâm), đồn Đá Liếp (Trà Hiệp), đồn Xây dựng (Trà Sơn), Lô cốt trung tâm (thị trấn Trà Xuân)…
Đây là địa điểm được lựa chọn chụp ảnh cưới của nhiều bạn trẻ địa phương (Ảnh – Đức Anh Lê)
Nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên của núi sông, mang một nét đẹp hoang sơ đại ngàn, thác Cà Đú ở xã Trà Thủy là địa điểm du lịch lý thú của nhiều du khách gần xa đến du ngoạn, ngắm cảnh. Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết, lần đầu tiên đến đây, cảnh tượng đầu tiên thu hút du khách là giữa màu xanh của núi rừng từ độ cao cả ngàn mét, hiện ra dòng nước chảy xiết, lấp lánh như bạc, tràn qua các khối đá khổng lồ tạo nên thác Cà Đú hùng vĩ.
Điện Trường Bà (Ảnh – Nguyen Duoc)
Điện Trường Bà tọa lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Nằm ngay sát đường liên huyện Trà Bồng – Tây Trà, từ điện Trường Bà nhìn ra là một cánh đồng lúa xanh, sau lưng là rừng quế và con sông Trà Bồng trong xanh lững lờ trôi qua những bản làng. Trước điện là cây si già ôm choàng lấy cổng với những nhánh cây tỏa rộng che bóng, mang cho ngôi đền một nét cổ xưa, trầm mặc.
Đây là một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Kor và cả dân tộc Chăm. Đây là di tích tín ngưỡng tương đối đặc biệt, một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa – huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.
Món don của người Quảng Ngãi chỉ đơn giản là tô nước có những con don bé xíu và một ít hành tây, hành lá ăn kèm với bánh tráng sống, bánh tráng nướng chín bẻ nhỏ. Không chỉ để mời khách phương xa mà người Quảng tha hương trở về đều tìm đến quán ăn bát don quê. Vị cay của của ớt bay, vị ngọt dịu của bát don có màu đùng đục… từ lâu món don ăn dân dã trở thành đặc sản của tỉnh này…
Ram thịt nướng (Ảnh – duylucky)
Ram hay còn gọi chả giò, nhưng Ram thịt nướng của Quảng Ngãi thì đặc biệt hơn nhiều. Bánh tráng dùng để cuốn phải là bánh rất mỏng, nếu bánh được tráng bằng tay thì sẽ ngon hơn bánh được sản xuất bằng máy, khi ăn cảm giác bánh giòn tan và thơm hơn. Nhân bên trong thì có thịt, tôm và hành cắt nhỏ, tẩm ướp gia vị cho vừa ăn, cuốn bánh xong thì được nẹp vào thẻ tre nướng trên bếp than hồng. Một cuốn ram có ngon hay không, phần lớn phụ thuộc vào mùi vị của tôm, tôm tươi phải còn nguyên con, được tẩm ướp gia vị vừa ăn, xào sơ qua trước khi gói ram để nướng. Phần thịt bò cuốn lá phải chọn những lá lốt non, thịt bò được ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ cùng với sả, tỏi, tiêu…Món ăn đúng vị không thể thiếu chén nước chấm với hương vị rất đặc trưng.
Nhiều du khách khi đến Quảng Ngãi đều tìm đến quán ram thịt nướng 72 Nguyễn Nghiêm, Tp Quảng Ngãi để thưởng thức các món ăn được chế biến theo công thức gia truyền, với hương vị đậm đà khó quên. Đây là quán ăn nổi tiếng đã mở được trên 50 năm.
Mì quảng ở Quảng Ngãi (Ảnh – duylucky)
Mì Quảng sông Vệ hương vị không giống như mì Quảng ở Quảng Nam mà có hương vị đặc trưng riêng của miền quê Quảng Ngãi. Mì Quảng sông Vệ có nhiều biến thể khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò… nhưng đậm đà hơn cả là mì tôm kết hợp với thịt. Tô mì với đủ sắc màu, sợi mì vàng hoặc trắng đục tùy sở thích của khách, kèm theo vài miếng thịt nướng, vài con tôm, rắc tí đậu phụng, lá thơm ăn kèm với rau sống, bánh tráng. Khi trộn đều nước gia vị từ dưới đáy tô lên rồi thưởng thức, vị ngọt của nước thịt, vị cay của tiêu, ớt, độ béo của đậu phụng, giòn tan của bánh tráng… tất cả quyện vào nhau, tạo nên hương vị thật đậm đà khó quên.
Bánh xèo ở chợ quê Tịnh Khê (Ảnh – Cao Minh Ha)
Tịnh Khê không chỉ nổi tiếng với bãi biển thơ mộng, mà còn có cả những hàng quán bánh xèo thơm lừng, nóng hổi với hương vị đặc trưng khó cưỡng. Bánh xèo nơi đây có hương vị đặc trưng, bánh mỏng, có tôm, mực băm nhuyễn, nên có vị ngon, ngọt. Nếu muốn thưởng thức, các bạn chỉ cần chạy dọc tuyến đường Mỹ Khê – Trà Khúc, đến chợ Tịnh Khê sẽ thấy rất nhiều dãy quán đúc bánh xèo.
Món cá tào lao nướng (Ảnh – Nguyen Tri)
Cá tào lao hay còn gọi là cá chìa vôi, cá phóng lao sinh sống tập trung ở vùng biển các tỉnh miền Trung. Chúng trú ngụ ở những rạn san hô và săn mồi bằng chiếc mỏ như mỏ vịt, nhưng rất dài đặc trưng của mình nên có biệt danh là “cá tào lao”.
Cá tào lao là loại cá có giá trị kinh tế cao vì giá trị dinh dưỡng của nó lớn, thịt cá giàu canxi, chất béo, chất đạm, vitamin, kali… Cá nung núc thịt, thịt ngọt, béo, dai, thơm lừng, có thể chế biến thành những món như nướng muối ớt, nướng sa tế, nấu lẫu, chiên giòn, làm gỏi…, trong đó món nướng được nhiều người ưa chuộng vì vừa ngon lại dễ chế biến.
Cá niêng nướng (Ảnh – Hoài Phương)
Nếu có dịp đến các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà địa bàn cư trú của dân tộc H’re, du khách sẽ được thưởng thức cá niêng nướng chấm muối ớt. Đây là một món ăn địa phương dân dã nhưng hấp dẫn nhiều du khách.
Cá niêng sống ở những dòng thác, ăn rong rêu và phù du nên khá sạch và thịt rất thơm. Cá niêng ngon nhất là khi to bằng ba ngón tay. Cá bắt được dùng xiên tre đem lụi nướng trên vỉa than hồng. Khi vừa chín tới đem chấm muối sống giã với ớt hiểm để ăn thì thịt cá rất béo, ruột vừa đăng đắng vừa bùi. Nếu không muốn nướng, thì đem luộc rồi chấm với muối ớt. Dùng món cá niêng nếu có thêm rau húng, rau thơm ăn kèm sẽ hấp dẫn hơn.
Cá thài bai là loại cá rất đặc biệt, hình thù giống cá bống con, thân nhỏ như chiếc que tăm trắng toát. Không chỉ vì nó rất nhỏ, mà dòng đời, nơi sinh sống… cũng rất lạ. Cá thài bai ngon nhất là vào khoảng cuối đông đầu xuân. Khoảng thời gian này là thời điểm cá sinh trưởng và phát triển.
Thôn Định Tân xã Bình Châu, Bình Sơn nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi bởi món đặc sản nổi tiếng này. Nghề làm chả cá “đỏ lửa” quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 3 đến tháng 6, vì đây là lúc thu hoạch cá đỏ, nguyên liệu chính của món chả cá.
Để có độ dai, giòn, chả cá Định Tân phải trải qua nhiều công đoạn. Nhưng công đoạn đầu tiên mang tính bắt buộc là phải róc xương, lấy thịt cá bằng phương pháp thủ công, đó là dùng muỗng để nạo thịt. Sau khi ướp các loại gia vị để tăng độ thơm ngon, chả cá bắt đầu được “tạo hình”, từ đây tùy theo nhu cầu của khách mà chả cá được giữ nguyên dạng tươi sống hoặc chế biến sơ trước khi giao hàng.
Người Quảng Ngãi có nhiều món ăn rất độc đáo. Một trong những món đó là món mít hông nổi tiếng mà khi về xứ Quảng, nhiều du khách đã tìm bằng được để thử một lần thưởng thức.
Mít hông là món ăn dân dã, nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân miền núi xứ Quảng. Món ăn này độc đáo trước hết ở cách chế biến. Đầu tiên, người ta chọn những quả mít vừa chín tới. Mít chín quá khi hông sẽ bị nhão. Mít được chọn thường là loại mít múi to. Sau khi từng múi mít được bóc ra, người ta rạch một đường nhỏ vừa đủ để lấy hạt mít. Đây là nguyên liệu không thể thiếu khi làm mít hông.
Điều thú vị nhất của mít hông nằm ở phần nhân. Nhân mít hông được làm từ chính hạt mít. Hạt mít khi được lấy ra người ta đem luộc, sau đó bóc vỏ và giã nhỏ. Hạt mít giã xong sẽ được nêm gia vị với bột ngọt, hạt tiêu và một ít muối rồi đem xào. Đặc biệt, trước khi xào, dầu phải được khử với củ nén hoặc củ hành thì mới thơm và “đúng bài”. Dầu ăn nếu là dầu đậu phụng (cách gọi dầu lạc của người Quảng Ngãi) ép thủ công thì sẽ càng ngon hơn.
Làm nhân mít hông cũng khá đơn giản. Hạt mít sau khi xào chín được cho vào bên trong các múi mít đã bóc hạt trước đó. Sau đó, mít được đem hông (hấp cách thủy) trong khoảng 15 phút. Không nên hông quá lâu vì sẽ làm mít bị nhão.
Mít hông thường được ăn kèm với dừa nạo và đậu phụng rang. Món ăn này có nguyên liệu và cách chế biến khá đơn giản, nhưng lại thơm ngon rất hấp dẫn. Ăn mít hông phải ăn lúc mít vừa được hông xong mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon quyện với vị ngọt dịu của múi mít cùng vị béo, bùi của nhân bên trong.
Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân thường được trồng xen kẽ hoặc sau khi thu hoạch tỏi (Ảnh – Đặng Đức Hưng)
Tuy là cây trồng truyền thống nhưng diện tích dưa trên đảo không nhiều như hành, tỏi và bắp. Trước đây cây dưa hấu trồng ra chỉ cung cấp cho người dân trên đảo, còn bây giờ dưa hấu Lý Sơn đã được nhiều người biết đến như một đặc sản của vùng đất này.
Nếu như dưa hấu trong đất liền được trồng rất công phu thì dưa ở Lý Sơn không cần lên luống, không cần phủ bạt, không phân bón, dưa được trồng phủ khắp mặt ruộng theo cách tự nhiên. Khi cây dưa ra quả, họ không phải chọn lựa những trái lớn như trong đất liền. Dưa chín đến đâu hái bán đến đó. Mỗi ngày họ chỉ bán vài ba tạ cho thương lái. Dưa hấu Lý Sơn không to, quả lớn nhất cũng chỉ 3- 4kg. Tuy nhiên, hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng. Chính vì thế mà dưa hấu Lý Sơn trở thành một sản phẩm độc đáo, vừa ngon lại vừa lành.
Xu xoa Lý Sơn (Ảnh – Huỳnh Châu)
Khi đến với Lý Sơn trong những tháng hè nóng bức đều tò mò tìm hiểu và nhiệt tình thưởng thức những chén xu xoa được người dân Lý Sơn bày bán khắp đất đảo, thế nhưng mấy ai biết được rằng để có được chén xu xoa thanh ngọt, là món quà vặt dân dã giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nồng phải qua nhiều công đoạn trong quá trình chế biến khá công phu.
Chén xu xoa thanh ngọt được người dân Lý Sơn chế biến từ loại rau có tên là rau đông. Khi mùa mưa đến rau đông mọc trên các gành đá vòng quanh huyện đảo và được người dân thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Sau khi vớt lên từ biển, rau đông sẽ được người thu mua phơi trên các bờ thành quanh đảo. Sau con nắng đầu tiên, rau đông sẽ được rải ra đầm cho rụng bớt đá bám trên rễ cây.
Rau đông khô ngâm qua một đêm, rửa lại cho sạch tạp chất và nấu cùng nước ngọt, sạch. Sau khi rau tan hoàn toàn trong nước bắt đầu đổ ra chén hoặc các khuôn làm bánh theo sở thích của người nấu và được gọi là xu xoa. Xu xoa chỉ ngon khi ăn kèm với nước đường được sên từ đường vàng hoặc đường muỗng và một ít gừng tươi đập nát sau khi đã được nướng vàng trên lửa.
Gỏi cá cơm Quảng Ngãi (Ảnh – Xuan Trân)
Cái con cá nghèo hèn đã làm nên món nước mắm Nam Ô trứ danh tại Đà Nẵng, vào đến Quảng Ngãi lên được bàn tiệc, mà lại là gỏi cá sống mới tài. Để làm món ngon trứ danh này, người Quảng Ngãi lấy cá cơm tươi bỏ đầu, bỏ ruột, chẻ cá làm đôi theo chiều từ đầu xuống đuôi để loại bỏ xương, rồi rửa sạch, để cho thật ráo nước.
Chanh trái vắt nước (nếu không có chanh thì dùng giấm, nhưng chanh thì ngon hơn), cho cá vào ngâm khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Khi nào thấy cá chuyển sang màu trắng trong, dậy mùi thơm là cá đã chín, sau đó vắt cá thật khô, nước vắt giữ lại để làm món tương chấm.
Dùng gạo rang, giã nhuyễn trộn đều vào cá, mục đích giữ cho cá được khô và thơm lâu. Tiếp đó cho hành tây cắt mỏng (đã ngâm muối), gia vị vừa ăn, thêm chút dầu phộng đã phi hành, tỏi, ớt xanh thái nhỏ vào chung với cá đã trộn gạo rang. Chuẩn bị một ít đậu phộng rang chín, giã dập và vài cái bánh tráng nướng.
Ăn gỏi cá cơm không thể thiếu rau xà lách, cải tầu ô, cải canh xanh mướt, dăm trái cà chua chín đỏ và đôi ba trái chuối chát được xắt lát mỏng trộn đều…
Gỏi bòng bòng hay còn gọi là gỏi rong biển (Ảnh – Hà Xuyên)
Mỗi năm, rau bòng bòng chỉ sinh trưởng từ tháng 2-4 âm lịch. Bởi vậy mà đến Lý Sơn những tháng này, du khách mới có dịp thưởng thức món đặc sản tuyệt vời này – món gỏi bòng bòng hay rau cum cúm.
Bòng bòng vừa nhổ về, cắt đi phần gốc, rồi ngâm qua đêm trong nước cho bớt vị tanh. Khi cần chế biến, chỉ việc cho mớ bòng bòng qua nước sôi rồi vớt ra để giữ được độ giòn. Sau đó thái nhỏ, trộn dầu ăn đã khử chín cùng các gia vị gồm mắm, chanh, đường, bột nem… sao cho vừa miệng. Khi gần ăn, người Lý Sơn cho thêm các loại rau thơm và đậu phộng rang vào, là đã có món gỏi bòng bòng tuyệt vời để xúc bánh tráng hay ăn cùng cơm. Những cộng bòng bòng dòn sựt, vị rong biển đặc trưng khó lẫn hòa cùng mùi thơm của mắm, chanh và hạt đậu bùi bùi, tạo nên cảm giác ngon khó tả.
Mắm nhum Quảng Ngãi (Ảnh – A Kiều)
Theo sử sách, vào đời vua Minh Mạng, mỗi năm người dân Quảng Ngãi phải nộp mắm nhum để tiến cống cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền. Vì thế, mắm nhum còn được gọi với cái tên hoa mỹ là mắm tiến vua hay mắm ngự.
Nhum có thể chế biến làm nhiều món, hưng ngon nhất là chế biến thành mắm nhum. Thịt nhum cho vào chai, rải muối và tiêu rồi đậy nắp kín, để nắng nửa tháng chuyển sang đặc sền sệt màu hồng đỏ ăn với thịt ba rọi cuốn bánh tráng, rau sống. Cũng chính vì hương vị đặc trưng của các món chế biến từ nhum mà các thực khách đến đây thường không bỏ qua món nhum biển.
Gỏi cá trích ở Đức Minh (Ảnh – A Kiều)
Món cá trích chỉ được làm chín bằng thứ duy nhất là nước cốt chanh, nhưng ngon đến lạ kỳ! Cái nôi của món gỏi ngon nức tiếng này là vùng biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức. Chính cái ngon kỳ lạ ấy mà đến mùa cá trích, các quán ăn ở vùng biển xã Đức Minh đông nghẹt khách khắp nơi đến để thưởng thức món gỏi cá trích cho thỏa. Khi thưởng thức, thực khách cầm lên một miếng bánh tráng sống cho vào vài cộng rau thơm rồi cho gỏi cá lên trên quấn lại, chấm với nước mắm. Gỏi cá trích đặc biệt ở mùi thơm, vị ngọt, bùi của cá hòa quyện với mùa thơm của bột gạo làm từ bánh tráng trộn và các loại rau gia vị.
Đĩa hến luộc chấm bột nêm vắt tí nước tắc (Ảnh – Trang Thy)
Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển, nên được xem là sông mẹ.
Hến kình là loài thủy sinh thân mềm có hai mảnh vỏ bên ngoài, trông rất giống hến nhưng lớn hơn hến gấp nhiều lần. Vì thế, những người dân nơi đây gọi là hến kình. Sau khi mang về, hến kình được sửa sạch và ngâm trong nước vo gạo vài giờ đồng hồ. Tiếp đến, vớt hến ra rổ rồi sơ chế, bỏ hai mảnh vỏ bên ngoài, lấy phần thân trong rồi rửa sạch. Thân hến dùng để chế biến các món: Nấu cháo, nấu canh, xào, nướng… đậm đà hương vị sông quê. Đơn giản và không kém phần ngon ngọt là món hến luộc chấm với bột nêm vắt thêm ít nước tắc.
Đồng bào miền núi phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có câu: “Rau ranh, ốc đá/ Là cá nậu nguồn”. Vì xa biển nên loại thực phẩm phổ biến được xem như cá của người nậu nguồn nơi đây là rau ranh, ốc đá. Có nhiều cách chế biến ốc đá và rau ranh. Trong đó, thơm ngon độc đáo nhất là món canh rau ranh ốc đá. Ở miền núi xứ Quảng, rau ranh và ốc đá có quanh năm nhưng ngon nhất là vào thời gian từ mùa xuân đến giữa mùa hè.
Làm món canh rau ranh ốc đá khá đơn giản. Nguyên liệu chính chỉ có ốc và rau. Ốc bắt về đem ngâm một ngày cho sạch. Sau khi ngâm, chà ốc cho sạch phần vỏ, chặt bỏ đuôi để dễ hút. Ốc được nêm gia vị (phải có ớt, sả và một ít lá chanh non thì mới ngon) rồi đem xào cho thấm, sau đó cho nước vào nấu. Cho thêm một ít gạo hoặc đậu xanh sẽ ngon hơn. Nước sôi một hồi lâu thì cho rau ranh vào. Đợi canh sôi lại, nêm nếm vừa ăn rồi nhắc xuống là được.
Tỏi được người dân bày bán trên đảo Lý Sơn (Ảnh – cungphuot.info)
Đảo Lý Sơn từ lâu nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của một vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Cam đường dại trên Đảo Bé (Ảnh – Cao Ngọc Cảnh)
Mang tên cam đường, nhưng quả chỉ bé bằng quả chanh, hạt thì lớn như hạt bưởi. Và dẫu lớn lên trong nắng gió khắc nghiệt của đảo Bé (Lý Sơn), nhưng loại cam đặc biệt ấy vẫn có vị ngọt lịm, mùi thơm dìu dịu.
Là loại cây ăn quả hiếm hoi thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của đảo, nên cam đường được người dân đảo Bé trân quý, nâng niu. Kết trái vào mùa hè, đến đầu đông thì cho thu hoạch. Cây cam mọc khá thấp, nhưng vì cành nhánh có nhiều gai, nên người thu hoạch cam đường đòi hỏi phải khéo léo, để không bị gai đâm vào tay chân.
Loài quả này nhỏ hơn chanh thông thường, mỗi quả có từ 4 đến 6 hạt, khi chín vỏ chuyển sang màu vàng nhạt, ăn có vị ngọt và thơm. Tuy chỉ là những cụm cây thấp, mọc hoang ngoài bờ, ngoài bụi, nhưng mỗi bụi cam đường vẫn sản sinh hàng trăm quả chín mọng, đủ cho 75 nóc nhà trên đảo Bé đều có cơ hội thưởng thức.
Nằm phía đông của dãy Trường Sơn (liền về phía tây là đỉnh Ngọc Linh cao khoảng 1.500m), miền đất quế bao gồm các huyện Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi), Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam), có độ cao trung bình 400 – 500m. Sản phẩm quế ở đây được thị trường đánh giá cao, vì có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng
Mạch nha Quảng Ngãi (Ảnh – Tường Vi)
Mạch nha là sản phẩm thủ công truyền thống của Quảng Ngãi. Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi ghi rõ: Vào những năm 1930 – 1935, tại các hội chợ danh tiếng được tổ chức ở Huế và Hà Nội, sản phẩm mạch nha đã được trưng bày và tạo được tiếng vang bởi hương vị ngọt thơm, thanh dịu và thuần khiết.
Đây là tên một loại đường kẹo làm từ ngũ cốc (lúa mạch, đại mạch, lúa mì, lúa, nếp…) bằng phương pháp lên men tinh bột. Đường mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi hương nếp.
Bánh ít lá gai ở Lý Sơn (Ảnh – cungphuot.info)
Bánh ít lá gai là một trong những loại bánh truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn nên có rất nhiều người biết làm loại bánh này, song để có người làm bánh chuyên nghiệp quanh năm, thì rất ít. Huyện đảo Lý Sơn hiện chỉ có còn khoảng chục hộ làm nghề gói bánh ít lá gai.
Để tạo ra sản phẩm bánh ít lá gai vừa ngon, vừa đẹp, cần chọn những lá gai non, bỏ gân, mang đi luộc, sau đó vắt khô rồi cho vào cối giã đến khi lá gai dẻo, chắt lọc lấy nước để trộn vào bột nếp khuấy đều tạo thành một khối bột màu xanh thẫm.
Đặc biệt, bánh ít lá gai ở huyện đảo Lý Sơn người dân quết bánh bằng tay, chứ không quết máy như nơi khác. Quết bánh ít thủ công bằng tay tuy vất vả và lâu hơn nhưng bù lại là sẽ sẽ làm cho cái bánh được mềm dẻo hơn và khi ăn sẽ ngon hơn.
Chính sự công phu và tỉ mỉ trong từng công đoạn nên bánh ít lá gai Lý Sơn có hương vị thơm ngon đặc trưng, khác với bánh ít lá gai ở những nơi khác. Bánh ít Lý Sơn có độ dẻo vừa, khi ăn sẽ cảm nhận được vị tinh khiết của lá gai trên đất đảo, vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dừa, vị bùi của đậu hòa quyện trong chiếc bánh.
Bánh mè Trì Bình được tiêu thụ nhiều đặc biệt mỗi dịp cận Tết (Ảnh – P Tiên)
Làng Trì Bình thuộc xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn), là một vùng quê nổi tiếng từ lâu đời với nghề làm bánh mè gia truyền.
Công việc đầu tiên là phải chọn loại gạo phân dân, vo đãi sạch sẽ rồi xay nhuyễn; sau đó gia với bột nghệ; tiếp đến dùng khuôn đóng bột gạo thành từng chiếc bánh vuông vứt rồi mang đi hấp chín. Lúc bánh gạo vừa chín tới lập tức mang ra xếp lên lò sưởi cho chiếc bánh săn lại; khô ráo; hoàn toàn giòn tan. Tiếp đó là thắng đường. Đường vàng thắng kéo tơ thì nhắc xuống; để than đảm bảo nồi nóng thường xuyên. Dùng đũa nhúng chiếc bánh gạo đã nướng vào nồi đường kéo tơ bám quanh chiếc bánh rồi nhanh tay lấy ra. Công đoạn hoàn thiện là lúc cho bánh đã nướng nhúng vào thau mè rang ngay bên cạnh; phủ kín mè vào bánh. Khi ấy, chiếc bánh đã thành phẩm nhưng cần phải để thật nguội mới đóng gói nếu không muốn làm mất đi độ giòn.
Đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá thêm rất nhiều địa danh ở Quảng Ngãi ngoài Lý Sơn nhé (Ảnh – khathinh vkt’s)
Đây là một lịch trình khám phá một vài địa điểm đặc biệt ở Quảng Ngãi, với lịch trình này các bạn có thể tách riêng từng ngày hoặc thay đổi lại các địa điểm du lịch theo sở thích cá nhân và để thuận lợi hơn trong việc di chuyển.
Ngày 1: Quảng Ngãi – Mộ Đức – Sa Huỳnh
Từ Tp Quảng Ngãi đi theo QL1 đến Mộ Đức, ghé thăm khu lưu niệm Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Tiếp tục đi về phía Nam đến Đức Phổ, tham quan bệnh xá Đặng Thùy Trâm để được tìm hiểu về một phần cuộc đời của người nữ bác sỹ rất nổi tiếng này.
Chiều hãy tới vựa muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh) để xem cách người dân nơi đây sản xuất ra những hạt muối. Tiếp đó về biển Sa Huỳnh tắm, thưởng thức hải sản tại đây.
Ngày 2: Sa Huỳnh – Ba Tơ – Trường Lũy – Tp Quảng Ngãi
Từ Sa Huỳnh các bạn hãy tới Ba Tơ tham quan bảo tàng và các di tích của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Sau đó đừng bỏ quên làng Mang Lùng để khám phá các nét văn hóa truyền thống của người Hre
Đến thị trấn Ba Tơ tham quan Bảo tàng Ba Tơ và các di tích Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ như Nha kiểm lý, hang Én, dốc ông Tài, đồn Ba Tơ… để hiểu thêm về truyền thống cách mạng trên mảnh đất anh hùng này.
Từ Ba Tơ, hãy đến Thác Trắng Minh Long rồi quay ngược lại Tp Quảng Ngãi để nghỉ ngơi ở Tp Quảng Ngãi
Ngày 3: Tp Quảng Ngãi – Sơn Mỹ – Mỹ Khê – Tp Quảng Ngãi
Từ phía bắc cầu Trà Khúc, xuôi về hướng đông chừng dăm cây số, bạn sẽ gặp lối đi lên chùa Thiên Ấn và Khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chùa Thiên Ấn được người dân Quảng Ngãi thành kính tôn xưng ngôi vị Tổ đình. Chùa nằm trên đỉnh núi Thiên Ấn. Tại đây, bạn có thể ngắm dòng sông Trà và toàn cảnh Tp Quảng Ngãi từ trên cao.
Tiếp tục xuôi theo hướng đông, bạn có thể tham quan Khu đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Tịnh Khê). Sau đó, tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi xảy ra vụ thảm sát ngày nổi tiếng trong chiến tranh. Từ đây tiếp tục đến một bãi biển khá nổi tiếng là Mỹ Khê, buổi tối ở Mỹ Khê cũng có khá nhiều các quán ăn hải sản tươi sống dọc biển, giá bình dân.
Nếu định đi Lý Sơn, các bạn hãy nghỉ lại ở Mỹ Khê cho tiện, nếu không hãy quay lại Tp Quảng Ngãi để tiếp tục một hành trình khác.
Ngày 4: Tp Quảng Ngãi – Dung Quất – Khe Hai – Tp Quảng Ngãi
Đến Dung Quất, bạn hãy đến Đồi Vọng cảnh, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bể chứa dầu thô, cảng Dung Quất, đê chắn sóng…Tiếp theo hãy đến với Bảo tàng Chăm. Đây là bảo tàng tư nhân lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 10 nghìn hiện vật cổ qua các thời kỳ: Văn hóa Óc Eo, Văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn…; các triều đại phong kiến Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Tây Sơn…
Bãi biển Khe Hai (xã Bình Thạnh) với nét đẹp hoang sơ, những hang động kỳ thú, bao bọc xung quanh là dãy núi Bàn Than là địa điểm lý tưởng cho những ai ưa thích sự khám phá. Lên thuyền đến Hòn Trà, Hòn Ông để đến các hang động, hay men theo những bãi đá ngầm bắt ốc đụn, hàu nướng… sẽ là những kỷ niệm khó quên khi bạn đến với điểm cực bắc của Quảng Ngãi.
Kết thúc hành trình ngày 4, trở lại Quảng Ngãi để trở về nhà.